Bóng tối và ánh sáng là hai mặt Âm Dương của vạn vật, luôn tương tác và chuyển hóa cho nhau.
Kể từ khi loài người biết nhận thức thế giới và sau đó tìm ra lửa, ánh sáng luôn nắm giữ quyền năng lớn lao, đồng hành với phát triển của văn minh nhân loại bao đời nay. Năng lượng mà ánh sáng đem lại, dù là ánh sáng tự nhiên hay nhân tạo, khi được khai mở đúng lúc đúng chỗ sẽ mang lại sự biến đổi, nâng cao chất lượng môi trường sống.
Bóng tối và ánh sáng là hai mặt Âm Dương của vạn vật, luôn tương tác và chuyển hóa cho nhau. Thời điểm giao mùa, đặc biệt là vào cuối năm cũ đầu năm mới cũng là lúc Âm Dương biến dịch, Đông lạnh giá chưa sang Xuân ấm, khí Âm thịnh lên mà khí Dương chưa lấp đầy, Thủy Vượng mà Hỏa Thế yếu, bệnh tật liên quan đến hố hấp gia tăng. Khí luận theo mùa đông chuẩn bị sang xuân đòi hỏi phong thủy của mỗi gia đình điều tiết đúng mức và hài hòa để gia tăng bình an cho chốn ngụ cư.
Cần phối hợp tốt giữa bố trí cửa lấy sáng ban ngày và bố trí đèn chiếu sáng ban đêm, bởi ánh sáng mặt trời vẫn là năng lượng tích cực và hữu ích nhất
Chuyển hóa để cân bằng
Chiếu sáng nhân tạo trong thời điểm giao mùa cuối năm giữ vai trò quan trọng, vì khi ánh sáng tự nhiên không đủ cường độ, ngày ngắn đêm dài, rất cần bổ sung kịp thời Dương Quang thông qua hệ thống đèn, màu sắc, chất liệu phù hợp.
Nguyên tắc cân bằng Âm Dương sẽ giúp cho các không gian thuần Âm (thiếu sáng, khuất lấp, ẩm thấp…) được hỗ trợ tốt hơn bằng năng lượng ánh sáng, quan hệ về hình thế cải thiện tích cực hơn. Màu biểu tượng của mùa đông là Thủy, với hệ màu xanh biển, đen, xanh tím… là chính, rất cần bổ sung hành đối nghịch tương khắc là hành Thổ (với nhóm màu vàng, cam tươi tắn) để hạn chế tính lạnh và Âm, liên thông với Hỏa tốt hơn.
Chiếu sáng tự nhiên cần gắn liền với hệ cửa, qua khả năng lọc và điều chỉnh độ sáng nhờ hệ lam che, lam xoay, rèm cuốn, cửa chớp…
Dĩ nhiên không phải cần Hỏa cho ấm áp mùa đông là phải dùng đèn rực rỡ, lạm dụng ánh sáng đỏ, cam hay vàng. Bởi về bản chất, không gian nhà ở luôn cần bổ sung phần Tĩnh và Âm nhiều hơn so với công trình công cộng hoặc thương mại vốn mang sẵn tính thuần Dương và Động. Do đó đặc thù chiếu sáng nhà ở không giống như công trình công cộng (đèn pha chói lọi, rực rỡ chớp tắt hoặc đèn nhiều màu tương phản… sẽ không phù hợp) mà cần dùng nguồn sáng gián tiếp, ánh sáng được lọc và khuyếch tán thông qua hệ chụp, mảng hắt sáng.
Với những góc khuất hay thường xuyên ẩm thấp, khó sử dụng (như gầm thang, phòng vệ sinh, giếng trời, sân sau, sàn nước…) thiên về Âm nhiều hơn thì cần dùng đèn pha có ánh sáng mạnh để bổ sung Dương quang. Không gian giao thông (hành lang, cầu thang) và khoảng trống chuyển tiếp giữa trong nhà và ngoài nhà như tiền sảnh, hàng hiên, giếng trời…chính là vùng cần bổ sung chiếu sáng trong mùa đông chuyển xuân, với lưu ý yếu tố rõ ràng và ổn định cả ban ngày lẫn ban đêm. Có thể kết hợp chiếu sáng theo mảng cố định với đặt nguồn sáng di động tạo điểm nhấn tại các góc thay đổi hướng, như ngoài bậc thềm, cột cổng, hay lối rẽ trên hành lang.
Hiện nay khá phổ biến phong cách chiếu sáng mờ ảo, dịu nhẹ, lung linh như kiểu “thắp nến” của không gian nhà hàng quán xá, vốn là những nơi khách sạn, ẩm thực, khách hàng ghé đến rồi đi có thời hạn, tiện về trải nghiệm nhất thời chứ không lưu trú lâu dài như nhà ở. Do đó hình thức chiếu sáng mờ ảo cần được xem như cách xử lý ánh sáng có dự trù khả năng thay đổi cường độ và màu sắc để linh hoạt sử dụng khi cần.
Sử dụng đèn thả tại thông tầng, phòng ăn hay quầy bar đem lại tính tập trung và phân bố ánh sáng có chính phụ rõ rệt
Rất nhiều ngôi nhà khi bước vào cảm thấy âm u lạnh lẽo, nhưng nếu được thay đổi cung cách chiếu sáng, mở rộng cửa sổ, đưa Dương quang vào nơi góc khuất tăm tối thì Trường Khí ngôi nhà sẽ biến đổi ngay. Việc dùng ánh sáng thuần Âm nên áp dụng ở phòng thờ, góc thư giãn tĩnh lặng và một vài thời điểm trong sinh hoạt như lúc có tiệc thân mật, hay xử lý cho nội thất phòng ngủ lãng mạn.
Mùa lễ hội và kích hoạt vận hội với ánh sáng
Việc dùng ánh sáng cũng khá phổ biến trong các nhóm giải pháp phong thủy để đem lại may mắn, tài lộc, khắc phục điều xấu tại nơi ở, chỗ kinh doanh, tổ chức sự kiện.
Ánh sáng đúng mức (cường độ, độ hoàn màu, độ rõ…) giúp kết nối không gian và kích hoạt đúng các nguồn năng lượng, đem lại tư duy tích cực và thái độ vui vẻ, thân thiện. Yếu tố kỹ thuật và nghệ thuật chiếu sáng luôn song hành nhau để đem lại ánh sáng tiện nghi và sự thoải mái cho người sử dụng, với không gian kinh doanh còn giúp thu hút, nổi bật và giao tiếp tốt hơn.
Một số giải pháp phong thủy dùng đến ánh sáng đèn để kích hoạt khi nhà đã xong mang tính “giải pháp tình thế”. Tốt hơn nên xử lý bố trí đèn và cách chiếu sáng từ phần thô, bao gồm việc giao trách nhiệm cho nhà thiết kế có chuyên môn về chiếu sáng, đến việc điều chỉnh bố trí đèn kịp thời, tránh các chỉnh sửa phức tạp về sau.
ГЃnh sГЎng ấm ГЎp kГch hoбєЎt nДѓng lЖ°б»Јng, giбєЈm bб»›t thủy khГ mГ№a Д‘Гґng cho nhГ
Do nơi kinh doanh thường có nhiều người giao tiếp, nên bố trí đèn sao cho phù hợp và tươi tắn giúp kích hoạt nguồn khí mang tính trọng tâm và lan tỏa nhiều nhất. Có thể căn cứ theo trục giao thông, vùng giao tiếp, các điểm nhấn và các bề mặt trọng tâm… để chọn lựa vùng sáng tương ứng. Đối với hệ thống đèn, cần quan niệm thông số chiếu sáng phải đi cùng hình dáng thẩm mỹ. Cho dù bộ đèn có Tướng (hình thức) đẹp, dùng vật liệu đắt tiền nhưng không phù hợp với đặc tính sử dụng, không hài hòa với tỷ lệ không gian, đặt sai phương vị và ngũ hành của tính chất kinh doanh (phần Số) và lại tiêu tốn điện năng nữa… thì chỉ được Tướng mà hỏng Số.
Ngược lại phần Số có tính toán chi li mọi thông số liên quan, tiết kiệm điện, dễ thay đổi bảo trì… nhưng lại có hình thức tầm thường sơ sài, không làm đẹp cho không gian thì phần Tướng cũng không ổn. Để dung hòa hai phần này, nhà chuyên môn và gia chủ phải cụ thể hóa được các tính toán và bố trí đèn theo từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: đèn cho tủ trưng bày phải chú ý kích thước tủ và vật trưng bày ra sao, chất liệu gì, màu sắc thế nào, thời điểm hay sử dụng đèn đó ra sao… để chọn lựa phù hợp.
Chiếu sáng không gian sinh hoạt chung trong gia đình cần chú ý tính trung hòa và tạo điểm nhấn đúng chỗ
Bên cạnh đó, tính chất ngũ hành theo phương hướng cũng cần lưu ý để khi biết được hướng nào trong nhà cần kích hoạt thì gia chủ sẽ bổ sung ánh sáng – năng lượng phong thủy – cho hợp với ngũ hành của hướng đó. Cách chiếu sáng này tương ứng với bảng màu ngũ hành sẽ giúp gia tăng dương quang sinh khí cho nhà, cụ thể như sau:
- Hướng Đông (quẻ Chấn, thuộc hành Mộc), ảnh hưởng đến chăm sóc sức khỏe, sự nuôi dưỡng, ánh sáng đặc trưng là màu xanh biển, xanh lá cây.
- Hướng Đông Nam (quẻ Tốn, hành Mộc) gắn liền với quá trình tích lũy sản nghiệp, của cải, tài lộc, ánh sáng đặc trưng là màu xanh lá cây, màu cam, vàng.
- Hướng Nam (quẻ Ly, hành Hỏa) liên quan đến đối ngoại, tiếng tăm và giao tiếp, ánh sáng đặc trưng là màu vàng, cam, đỏ.
- Hướng Tây Nam (quẻ Khôn, hành Kim) thiên về quan hệ tình cảm, duyên phận, ánh sáng đặc trưng là màu vàng, màu trắng.
- Hướng Tây (quẻ Đoài, hành Kim) có tác động vào thế hệ sau (con cháu) và phúc đức của gia đình, ánh sáng đặc trưng là màu vàng, trắng.
- Hướng Tây Bắc (quẻ Càn, hành Kim) tăng cường việc mở rộng và củng cố quan hệ bạn bè và vận may, ánh sáng đặc trưng là màu vàng, trắng.
- Hướng Bắc (quẻ Khảm, hành Thủy) đặc trưng cho cơ hội ổn định và phát triển sự nghiệp, ánh sáng đặc trưng là màu trắng, màu xanh biển, tím.
- Hướng Đông Bắc (quẻ Cấn, hành Thổ) là hướng chủ quản về tiếp nạp tri thức, giáo dục. ánh sáng đặc trưng là màu cam, vàng.
Phần trung tâm của mỗi ngôi nhà hoặc căn phòng lớn (Trung Cung) thuộc hành Thổ, là nơi dung hòa và điều phối các hoạt động trong nhà. Ánh sáng đặc trưng của Trung Cung cũng là màu vàng và trắng, phẳng lặng, tránh phức tạp rối mắt, mang tính lan tỏa đồng đều.
Chiếu sáng không gian kinh doanh có những khác biệt so với nhà ở, như dùng đèn rọi, bố trí đèn sáng rực rỡ nhiều hơn
Có thể tìm hướng bằng cách đặt la bàn vào trung tâm mặt bằng của ngôi nhà, từ đó xác định các vùng nào của ngôi nhà có cần gia tăng thêm hay thay đổi đèn chiếu sáng hay không. Dĩ nhiên là một ngôi nhà để sinh hoạt thuận tiện thì không thể thiếu đèn tại bất kỳ khu vực nào dù là chính hay phụ. Các gợi ý về ánh sáng kể trên mang tính tham khảo và có thể như một giải pháp điểm xuyết miễn sao phù hợp và hài hòa.
Ta cũng thấy thông qua bát quái phân bố ánh sáng nêu trên, thông thường ánh sáng sử dụng phổ biến là hai màu vàng (thuộc Thổ) và trắng (thuộc Kim), được dùng chủ yếu cho các khu vực cơ bản để đem lại sự ổn định và phát triển, nhất là phần Trung Cung của nhà. Còn ánh sáng có các màu khác (xanh dương, xanh lá, tím, đỏ…) thì mang tính bổ sung để kích hoạt nguồn khí tại hướng tương ứng.
Những mảng đèn đặc biệt có thể dùng như một cách điểm xuyết nghệ thuật, kích hoạt khí cho những không gian có tính xám lạnh, tối giản
Tuy nhiên không nên gắn kết khái niệm “chiếu sáng hợp phong thủy” với hiệu quả “làm ăn phát tài”, vì các giải pháp phong thủy phải đi từ chung đến riêng, từ phương hướng đền hình thế một cách hệ thống và khoa học, liên quan cụ thể theo từng gia chủ và thời gian tương ứng, chứ không phải phát tài nhờ treo thêm vài ngọn đèn! Thực tiễn không có kiểu đèn nào là đẹp hay xấu, cát hay hung tuyệt đối, vấn đề nằm ở môi trường, bối cảnh mà chiếc đèn đó xuất hiện. Đây chính là sự hài hòa trong phong thủy giống khái niệm “ đồng thanh đồng thủ” trong văn hóa dân gian Việt Nam.
Đăng bởi: Hồ Kiện Khang