Với những ngôi nhà diện tích khiêm tốn thì tầng lửng được xem là một giải pháp hữu ích nhằm tăng thêm không gian sống và đồng thời cũng là yếu tố làm tăng lưu lượng chuyển khí trong phong thủy nhà ở. Tuy không phải là khu vực trọng yếu nhưng phong thủy gác lửng cũng phần nào ảnh hưởng nhất định đến vận khí của cả ngôi nhà nên gia chủ cần cân nhắc bố trí khu vực gác lửng sao cho hợp phong thủy hơn.
Vị trí của gác lửng và phòng trên gác lửng thường không được các nhà phong thủy ưa thích, tuy nhiên nếu biết cách thiết kế và bài trí cho hợp lý thì khu vực gác lửng vẫn trở thành không gian sống lý tưởng và đem đến nhiều lộc khí cho gia đình. Thêm vào đó, gác lửng có khá nhiều công dụng trong kiến trúc nhà ở, là điểm nhấn độc đáo cho ngôi nhà nên còn được các kiến trúc sư biến tấu với nhiều ý tưởng rất độc đáo. Nếu nhà bạn muốn thiết kế gác lửng hay tu sửa cơi nới gác lửng thì có thể tham khảo và cân nhắc theo những nguyên tắc thiết kế hợp phong thủy dưới đây.
Công dụng khi thiết kế gác lửng
Thiết kế gác lửng thường là giải pháp được nhiều người áp dụng nhằm gia tăng diện tích sử dụng cho không gian về mặt chiều cao. Đối với những căn nhà hay căn phòng có diện tích hẹp thì đặc biệt thích hợp để thiết kế gác lửng. Ngoài ra, với những ngôi nhà lớn, không gian rộng rãi thì sự có mặt của gác lửng có thể xem như chi tiết giúp không gian thêm đẹp và thông thoáng hơn.
Gác lửng có công năng sử dụng khá đa dạng, nó có thể được xem là nơi sinh hoạt chung, phòng làm việc, phòng ngủ hay phòng khách tùy theo nhu cầu của gia chủ. Đối với trường hợp diện tích xây dựng nhỏ, mặt bằng tầng trệt được sử dụng để kinh doanh hoặc làm nơi để xe thì khi này gác lửng hay tầng lửng có thể giúp làm tăng diện tích sử dụng, mở rộng không gian sinh hoạt hoặc có thể sử dụng thành khu vực chứa đựng, không gian chức năng như phòng khách, bếp ăn, phòng ngủ rất tiện nghi.
Yếu tố cần biết khi thiết kế gác lửng chuẩn phong thủy
Cách bố trí cầu thang gác lửng thế nào là hợp phong thủy? Để thiết kế gác lửng hay tầng lửng sao cho thích hợp thì còn phụ thuộc vào quan điểm thẩm mỹ cùng kết cấu kỹ thuật của công trình. Đối với những căn nhà nhỏ, gia chủ có thể vừa tận dụng tầng một để kinh doanh, còn tầng lửng thì đặt phòng khách, phòng bếp với chiếc cầu thang riêng cho khu vực gác lửng. Cầu thang từ trệt lên lửng có thể đặt ở vị trí nhỏ gọn vì số bậc ít và không chiếm diện tích.
Khi thiết kế gác lửng cũng cần lưu ý đến yếu tố diện tích để đảm bảo chúng không quá nhỏ hay hẹp vì như vậy sẽ gây ra cảm giá bí bách, chật chội, sinh hoạt cũng thiếu thoải mái. Mặt khác, nếu thiết kế gác lửng quá rộng và dài thì như vậy sẽ tạo cảm giác khập khiễng về chiều cao, gây tù túng cho ngôi nhà.
Để đảm bảo sự thông thoáng cho không gian, tránh cho nội khí căn nhà bị tù hãm về mặt phong thủy thì khi thiết kế nên chú ý thiết kế kiểu lệch tầng sẽ giúp cho gác lửng cao hơn. Ngoài ra, nếu ngôi nhà có thiết kế giếng trời thì nên đặt gác lửng gần giếng trời vì gác lửng vốn “tĩnh” nếu gặp giếng trời “động” thì sẽ tốt hơn. Thêm vào đó, chiều cao của gác lửng vốn thấp trong khi giếng trời lại cao, cách bố trí như vậy sẽ giúp hai không gian tương gian với nhau tạo nên góc nhìn đẹp và mang đến phong thủy hài hòa cho ngôi nhà.
Cũng lưu ý thêm, theo phong thủy thì gác lửng thuộc Kim và Thổ nên nếu bố trí phòng làm việc hay không gian tiếp khách thì sẽ tốt hơn là bố trí phòng ngủ. Tuy vậy, nếu trường hợp gác lửng được thiết kế theo kiểu áp mái thì khi này nó thuộc tính Hỏa và gia chủ cần chú ý thiết kế sao cho rộng rãi, thoáng mát.
Đăng bởi: Quyết Hoàng