Tên tuổi của nhà thiết kế Halston vụt sáng ở thập niên 1970 nhưng sớm lụi tàn vì lối sống buông thả.
Cuộc đời nhà tạo mốt Halston đã được Netflix dựng thành phim cùng tên vào năm 2021. Bối cảnh bộ phim Halston – do Daniel Minahan đạo diễn – bắt đầu từ năm 1960 khi nhà thiết kế Mỹ gây dựng được danh tiếng và bước lên đỉnh cao thời trang, cùng lúc nhạc disco với những sàn nhảy, vũ trường và hộp đêm thịnh hành.
Phim mô tả chân thực chân dung Halston – tài năng thiết kế nhưng sống buông thả. Ở một cảnh phim, nhà tạo mốt nói: “Tôi yêu New York, đặc biệt là cuộc sống về đêm”.
Nhà thiết kế là khách quen của hộp đêm Studio 54 – nơi nổi tiếng ăn chơi thác loạn thời đó. Halston từng bị bắt khi đang quan hệ với một trai bao ở Central Park (Công viên Trung tâm).
Ông tích trữ ma túy trong nhà, tổ chức các buổi tiệc tùng sa đọa, mời nhân tình hoặc bạn bè tới dự. Nghiện ma túy làm tính tình ông cộc cằn, nóng nảy, nhiều lần ông chửi thề, xúc phạm bạn bè.
Nhà thiết kế tiêu xài hoang phí vào những sở thích xa xỉ, từng tốn hơn trăm nghìn USD hàng tháng chỉ để đặt mua hoa lan – loài hoa yêu thích của huyền thoại thiết kế Charles James, thần tượng của ông.
Nhà thiết kế thời trang Halston và nữ diễn viên kiêm ca sĩ Liza Minnelli đến Trung tâm Lincoln để dự tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm 50 năm của Newsweek. New York, 1983.
Lối sống tiêu cực khiến Halston sa sút kinh tế. Từ năm 1968 đến 1973, các dòng thời trang của Halston thu được 30 triệu USD mỗi năm (tương đương 200 triệu USD hiện nay) nhưng cũng không thấm là bao so với số tiền ông tiêu pha.
Năm 1973, ông bán thương hiệu cho tập đoàn bán lẻ Norton Simon với giá 16 triệu USD. Năm 1983, nhà thiết kế ký hợp đồng sản xuất quần áo cho chuỗi cửa hàng bình dân High Street JCPenney. Ba năm sau, ông rút khỏi khỏi làng mốt.
Năm 1988, hậu quả của các cuộc ăn chơi khiến Halston mắc HIV. Ông chuyển tới San Francisco sống, nhờ gia đình chăm sóc, qua đời năm 1990 ở tuổi 57.
Thiết kế của Halston thường tối giản, đơn sắc, làm bằng các chất liệu mềm, mỏng như voan, lụa. Ảnh: Corbis, AP.
Tạp chí Vogue cho rằng đôi khi công chúng quá để tâm vào đời tư Halston mà quên mất tài năng cũng như đóng góp của ông cho nền thời trang Mỹ. Halston (tên thật: Roy Halston Frowick) sinh năm 1932 tại Des Moines (Mỹ), có sở thích may vá chịu ảnh hưởng từ người bà. Cậu bé thường làm mũ, may quần áo cho mẹ và các anh chị em.
Sau khi tốt nghiệp Viện Nghệ thuật Chicago, năm 1958, ông chuyển đến New York làm việc tại cửa hàng làm mũ và may mặc có tiếng Lilly Daché.
Đến năm 1961, tên tuổi của Haslton vụt sáng khi thiết kế mũ pillbox cho phu nhân Jackie Kennedy trong ngày chồng bà nhậm chức tổng thống Mỹ. Hàng trăm quý cô, quý bà tìm đến ông đặt mũ đội đầu.
Diana Vreeland – cựu tổng biên tập Vogue – tán thưởng về tài năng của Haslton trên tạp chí: “Halston có lẽ là thợ làm mũ vĩ đại nhất thế giới, một ảo thuật gia với đôi tay tuyệt vời”.
Khi mốt tóc phồng lên ngôi, phụ nữ không còn chuộng mũ, Halston chuyển sang thiết kế quần áo. Ông mở cửa hàng trên Đại lộ Madison và gần như sạt nghiệp khi chi quá nhiều tiền để ra mắt bộ sưu tập đầu tiên năm 1968.
Hàng loạt khách hàng cũ từ thuở ông còn thiết kế mũ như minh tinh Catherine Deneuve, Lauren Bacall, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ Jackie Kennedy, quý bà Babe Paley… đều chung tay ủng hộ ông. Họ đặt hàng rất nhiều mẫu đầm khác nhau, trong đó có mẫu đầm Ultrasuede nổi tiếng của ông.
Nhà thiết kế Halston bên các người mẫu. Ảnh: Vogue.
Tài năng và sự nhạy bén giúp Halston nhanh chóng trở thành người đi đầu xu hướng thời trang thập niên 1970. Thời trang thời đó cồng kềnh và cứng nhắc với các loại vải dày, nặng. Ông đánh trúng khao khát giải phóng cơ thể của phụ nữ, tạo nên những bộ váy áo tối giản.
Tờ Los Angeles Times mô tả các thiết kế “hợp thời, không có lớp lót, không có phom dáng cố định nhưng ôm nhẹ đường nét cơ thể phụ nữ một cách tinh tế”.
Nhà thiết kế gây ấn tượng với mẫu váy sơ mi bằng chất da thuộc tổng hợp. Váy đơn sắc với hàng cúc chạy dọc phía trước và thắt lưng đơn giản quanh eo trở thành cơn sốt với 60.000 chiếc được tiêu thụ trong thời gian ngắn.
Phụ nữ ưa chuộng nó không chỉ bởi tính tiện lợi, hiện đại mà còn bởi dễ giặt. Đạo diễn Daniel Minahan nói với Elle: “Trước Halston, các quý cô không muốn mặc trùng váy trong bữa tiệc. Khi váy sơ mi của anh ấy xuất hiện, mọi người đều muốn mặc duy nhất thiết kế này”.
Năm 1973, Halston cùng những tên tuổi lẫy lừng Bill Blass, Oscar de la Renta, Anne Klein và Stephen Burrows tham gia “Battle of Versailles” – cuộc thi đấu thời trang giữa năm nhà thiết kế Mỹ với năm nhà thiết kế Pháp. So với bốn người trong nhóm, Halston nổi tiếng muộn, ít tiếng tăm hơn.
Tại buổi so tài, ông mạnh dạn sử dụng người mẫu da màu tạo nên khác biệt, thu hút giới thời trang Pháp. Kết quả, nhóm của ông đánh bại các đại diện nước Pháp nhờ những trang phục hiện đại, đơn giản và trẻ trung.
Trang phục của Halston chinh phục nhiều người nổi tiếng. Ông may đồ cho nữ diễn viên Bianca Jagger, xây dựng phong cách ăn vận cho nhà thiết kế trang sức Elsa Peretti hay diễn viên Liza Minnelli. Một vài người mẫu nữ lập thành nhóm hâm mộ Halston mang tên Halstonettes, diện quần áo của nhà tạo mốt và vây quanh ông trong những bữa tiệc.
[wpcc-iframe width=”100%” height=”400″ itemprop=”image” data-fancybox=”gallery” class=”fancybox” content=”https://www.youtube.com/embed/tiYbb3mu0lc?feature=oembed” src=”https://www.youtube.com/embed/tiYbb3mu0lc?feature=oembed” data-src=”https://www.youtube.com/embed/tiYbb3mu0lc?feature=oembed” frameborder=”0″ allowfullscreen=””]Đăng bởi: Ngân Trần